Di tích giếng Ngọc - đền Cùng tại làng Diềm, Viêm Xá, Hòa Long, TP Bắc Ninh từ lâu đã nổi tiếng bởi dòng nước mạch ngọt mát và 3 “ông” cá nghìn tuổi. Nhưng 3 “ông cá thần” này đang có nguy cơ bị “bức tử” bởi tiền lẻ du khách ném xuống.
Những ngày đầu xuân mới Nhâm Thìn, hàng nghìn du khách và người dân địa phương đã đổ về di tích đền Giếng (giếng Ngọc - đền Cùng) tại làng Diềm cùng nhau xin lộc nước giếng Ngọc và chiêm bái 3 “ông cá thần” nghìn tuổi.
Du khách và người dân địa phương rải tiền lẻ và lấy nước giếng Ngọc uống để xin lộc đầu năm.
Lâu nay, làng Diềm đã nổi tiếng khắp trong ngoài nước bởi đây là mảnh đất phát tích ra điệu hát quan họ, di sản phi vật thể của nhân loại. Một điều đặc biệt là người làng Diềm, nhất là các nghệ nhân quan họ làng Diềm, vẫn giữ nếp xưa là pha trà và uống nước giếng Ngọc bởi ai cũng tin rằng chính nguồn nước mạch ngầm không bao giờ cạn của giếng Ngọc đã mang lại giọng hát quan họ ngọt ngào cho họ.
Giếng Ngọc là một giếng nước rộng chừng 20m2, sâu 8m, có đáy là lớp đá ong tự nhiên. Từ lòng giếng, mạch nước ngầm trào ra không bao giờ cạn. Tại giếng Ngọc, theo truyền thuyết có 2 nàng công chúa con vua Lý Thánh Tông tên Tiên Dung và Thủy Tiên cùng với người hầu cận đã hóa thân thành 3 “ông cá thần” để phù giúp người dân trong vùng. Chính vì vậy, du khách và người dân địa phương nườm nượp đổ về đền Giếng để cầu may.
Một "ông cá thần" ngoi lên thở giữa những đồng tiền lẻ trôi dập dềnh.
Nhưng mặc cho tấm biển nhắc nhở không đi giày dép xuống các bậc của giếng Ngọc, du khách vẫn tranh nhau lội xuống giếng múc nước. Không chỉ vậy, dù hòm công đức đã được BQL khu di tích đặt ngay tại giếng Ngọc nhưng du khách vẫn ào ào thả tiền lẻ xuống giếng, nhiều đến độ BQL phải cắt cử người liên tục vớt tiền vẫn không xuể. Ba “ông cá thần” dường như không còn chỗ thở.
BTC phải bố trí người túc trực nhặt tiền lẻ liên tục nhưng không xuể
Ông Trần Văn Đố, thành viên BQL di tích đền Giếng cho biết: Chỉ ngưng vớt một lúc là cả miệng giếng ngập kín tiền lẻ. Nhiều khi tiền lẻ ngấm nước chìm sâu xuống đáy giếng trông rất phản cảm. Dù BTC đã đặt hòm công đức và nhắc nhở thường xuyên nhưng nhiều du khách thiếu ý thức vẫn tin rằng phải thả tiền xuống giếng Ngọc mới thiêng. Chính vì vậy, ngoài việc thu nhặt tiền lẻ bằng tay, BTC còn phải dùng cả gáo mắc vào cán dài vớt, có khi cũng kinh động đến 3 “ông cá thần”.
Dưới đây là một số hình ảnh PV Dân trí ghi nhận cảnh 3 “ông cá thần” có nguy cơ “ngạt thở” bởi tiền lẻ tại đền Giếng:
Người dân làng Diềm tin rằng nước giếng Ngọc đã giúp tạo nên giọng hát quan họ ngọt ngào.
Tiền lẻ rải khắp nơi.
3 "ông cá thần" có nguy cơ "ngạt thở".
Dù sợ làm kinh động đến 3 "ông" cá thần, nhưng BQL vẫn phải dùng sào vớt tiền lẻ trên mặt giếng.
Tấm biển cấm thả tiền lẻ bên thành giếng đã mờ dần.
Dù khách tập trung đông kín xung quanh giếng Ngọc cầu may.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét