Từ thời khai hoang dựng nước, ta đã có truyền thuyết con rồng cháu tiên. Rồng là con vật nằm trong bộ tứ linh: Long, Ly, Quy, Phụng; dù chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng nhưng luôn là biểu tượng của sức mạnh, uy lực.
Rồng là tổng hợp chi tiết của nhiều con vật: đầu sư tử, râu cá trê, tai trâu, bờm ngựa, sừng hươu, mình cá sấu, chân thú, móng chim,… Rồng tượng trưng thiên tử, uy lực. Ở Việt Nam con rồng còn được gắn cho ý nghĩa tượng trưng cho mưa thuận gió hòa - quan niệm của cư dân nông nghiệp lúa nước.
Con rồng qua các triều đại phong kiến Việt Nam lại có sự thay đổi về phong cách.
Rồng thời Lý
Đầu nhỏ, mình thon mềm mại, uốn khúc nhịp hình sin tắt dần, đuôi ngoắt lên, vẩy mờ, chân chỉ có ba móng. Riêng đầu có nhiều đặc điểm: hàm trên kéo dài, uốn, xung quanh có đao lửa, hàm dưới kéo dài, uốn hình sin. Trong miệng có một viên ngọc, xung quanh đầu cũng có những viên ngọc biểu tượng sự sang trọng, quý phái của triều đại Lý. Giữa trán có hình chữ S ngược - chữ lôi = mưa gió sấm chớp, biểu tượng của mưa thuận, gió hòa. Tai rất nhỏ. Bờm tóc bay ngược như cờ đuôi nheo gặp gió. Không có sừng.
Rồng Lý mang biểu trưng văn hóa nông nghiệp lúa nước: cầu mùa màng , lúc này chưa ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Do đó nói đến biểu tượng rồng Việt Nam là nói đến rồng thời Lý.
Rồng thời Trần
Chủ yếu vẫn là dáng dấp rồng Lý nhưng mình uốn khúc doãng hơn, uốn lượn tự do hơn, đầu có con có sừng có con không, sừng chỉ nhú lên một chút như sừng hươu, nó chính là hình chữ S ngược biến thành, mình vẩy rõ hơn, thân to, mập, khỏe khoắn, chân thay đổi có khi có bốn móng. Bờm, râu, móng chân rồng Trần ngắn hơn rồng Lý.
Rồng thời Trần xuất hiện với ý nghĩa biểu tượng vương quyền.
Giữa thời Trần xuất hiện rồng uốn hình yên ngựa, dáng dấp dũng mạnh, rồng bò. Có thể do cuộc sống chinh chiến nhiều nên cũng ảnh hưởng đến phong cách rồng trong nghệ thuật.
Rồng thời nhà Hồ
Thân hình mập mạp, sung sức, táo bạo. Rồng mang phong cách của những người có nhiều cải cách.
Rồng thời Lê sơ
Thời đầu còn phảng phất rồng Lý: còn mào lửa, cặp sừng ngắn, lưỡi thè ra đỡ viên ngọc, chân có ba đến bốn móng, có nhiều đao lửa bay từ chân lên. Ảnh hưởng cả rồng yên ngựa thời Trần. Nhưng vài chục năm sau thì dần dần ảnh hưởng rồng Trung Quốc: không còn mào lửa, mặt nét dữ dằn. Mũi cao bè, tròn to, hai cánh mũi nở như mũi sư tử.
Xuất hiện hai viền lông mày và có đao lửa bốc rất dữ dội.Cặp sừng phát triển và chia làm hai nhánh. Bờm chia làm hai nhánh chạy ngang sang hai bên. Mắt lồi, miệng rộng, tai trâu dẹt ở phía dưới của sừng, vẩy rõ, chân năm móng xòe rộng. Toàn thân rồng nhìn nghiêng, riêng mặt nhìn chính diện.
Rồng Lê sơ xuất hiện khi Nho giáo và văn hóa Trung Hoa thâm nhập mạnh mẽ vào nước ta. Rồng lúc này trở thành biểu trưng cho vua, cho quyền thế vương triều Lê.
Rồng thời nhà Mạc
Hai râu mép chạy song song và uốn khúc nhẹ nhàng. Mình ít khúc uốn, uốn hơi tùy tiện, hình dáng chắp vá, thân tròn có khi võng hình yên ngựa ở giữa thân.
Rồng lúc này không còn mang biểu tượng vua mà gắn với các sinh hoạt của nhân dân. Xuất hiện hình tượng cá chép hóa rồng: biểu hiện sự thành đạt.
Rồng thời Lê Trung Hưng: R
ồng đã có nhiều hình thức biểu hiện như rồng đàn, rồng ô, trúc hóa long, long vân.
Rồng Lê Trung Hưng tương tự rồng Lê sơ nhưng trông hiền hơn, dáng dấp tự do thoải mái hơn - mắt và tai lớn, tai giống cánh chim - đuôi phần cuối múp, thẳng. Đã có con có thêm bờm và hơi xoắn lại.
Hình tượng con rồng thời kì này mang nhiều khát vọng của người dân: mong mưa thuận, gió hòa, khát vọng công bằng xã hội.
Rồng thời Tây Sơn
Bờm tóc xõa, mình mập và ngắn. Hầu hết đuôi đều xoắn.
Rồng thời Nguyễn
Một lần nữa con rồng tiếp nhận ảnh hưởng Trung Hoa: vẻ dữ dằn, sừng dài nhiều nhánh, mặt quỷ, miệng rộng và kéo dài ra, mũi sư tử, chân cá sấu, năm móng, móng chim ưng, bờm tóc xõa tự do, đặc biệt bờm đuôi cuộn xoắn. Rồng Nguyễn cũng biểu tượng cho vua, uy lực vương quyền.
So với rồng Lê sơ thì rồng Nguyễn chỉ còn vẻ dọa nạt bên ngoài - cái hung hãn của Nho giáo đi vào giai đoạn suy thoái.
***
Qua phong cách rồng của từng thời toát lên đặc trưng của thời đại đó. Đến nay hình tượng con rồng vẫn còn được sử dụng nhiều trong các đồ án trang trí nhất là ở những nơi sang trọng, cao quý, linh thiêng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét