Các nhà khoa học vừa công bố hóa thạch của ruồi dơi, loài côn trùng “ma cà rồng” nhỏ sống dựa vào máu của loài dơi và sau đó truyền bệnh sốt rét cách đây ít nhất 20 triệu năm, tạp chí Live Science (Mỹ) đưa tin.
Các nhà khoa học cho hay, hóa thạch ruồi dơi được phát hiện trong một hổ phách (có niên đại khoảng 20-30 triệu năm) từ mỏ La Búcara thuộc rặng núi Cordillera Septentrional (Cộng hòa Dominica, vùng Caribe). Ruồi dơi chỉ rời khỏi những con dơi trong mùa giao phối và trong trường hợp này, một con ruồi dơi đã vô tình bị mắc kẹt trong nhựa dính của cây và được bảo quản cho tới ngày nay.
Hóa thạch ruồi dơi được bảo quản trong hổ phách
“Ruồi dơi là một trường hợp đặc biệt của sự tiến hóa, nó sống phụ thuộc vào những con dơi và trường hợp này không được tìm thấy ở những nơi nào khác trên thế giới”, nhà động vật học George Poinar, người đứng đầu nghiên cứu này, làm việc tại ĐH Oregon State (Mỹ) nói.
“Dơi là loài động vật có vú sống cách đây khoảng 50 triệu năm, chúng biết bay thực sự và loài dơi xuất hiện sớm nhất trên trái đất thì có móng vuốt và biết trèo cây. Chúng tôi tin ruồi dơi hút máu dơi ít nhất trong một nửa thời gian trên. Loài ruồi dơi sống bám trong lông dơi, cấu trúc cơ thể ruồi dơi dẹp, phẳng như loài bọ chét nên cho phép chúng di chuyển dễ dàng giữa những lông dơi”, ông Poinar phân tích.
Theo thông tin trên tạp chí Science Daily, ruồi dơi truyền dịch bệnh sốt rét, cung cấp thêm bằng chứng rằng bệnh sốt rét đã từng hoành hành cách nay 20 triệu năm. Chi ruồi dơi được phát hiện trong nghiên cứu này hiện nay đã tuyệt chủng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét